top of page

Gaming on Linux - Phần 1: Gian nan miền băng tuyết


Chào các bạn!


Câu chuyện mà tôi sắp kể đây có lẽ đã trở thành một giai thoại đối với những chiến binh mẫn cán nhất của làng công nghệ thế giới - những dũng sĩ 1 tay ôm bàn phím, 1 tay cầm chuột. Đó có thể là những người hùng xứ Sparta dũng mãnh, những chiến binh thập tự chinh Templar, những tay Sát Thủ của hội BrotherHood; hay những tay trùm trong giới Mafia, những điệp viên lẫn khuất trong bóng đêm,... Và còn nhiều nhiều hơn nữa những lần hóa thân của các game thủ. Có lẽ chưa bao giờ những hình ảnh này có thể phai mờ được trong con mắt của game thủ toàn thế giới.


Và lần này, những Game Thủ sẽ là những Viking, những chiến binh hùng mạnh đi khai phá những vùng đất đầy băng tuyết.

MIỀN BĂNG TUYẾT

Có lẽ vài năm trở lại đây, thuật ngữ “Gaming on Linux” đã khá quen thuộc trong giới Game on PC. Sở dĩ điều này nghe có vẻ “hơi hầm hố” theo kiểu phần “hố” có nhiều hơn vì như chúng ta đã biết cách thời điểm hiện tại khoảng chục năm thì đối với người dùng máy tính phổ thông thì Linux là “một cái gì đó” rất cổ lỗ và đầy tính thủ công. Người ta thường nghĩ tới Linux với hình ảnh của những hacker, những tay programer, developer luôn dán mặt vào màn hình toàn màu đen và những dòng text xanh xanh đỏ đỏ. Thế nhưng, thời gian trôi, dòng chảy của công nghệ, xu hướng và những tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật cũng dần đưa hình đó vào 1 góc để khi nhìn lại, ta thấy 1 Linux mới - 1 môi trường thân thiện và sẵn sàng đánh bật mọi đối thủ.

Nếu các bạn thành tâm muốn biết, thì tôi đây cũng sẵn sàng copy + paste về cho các bạn biết. Những câu chuyện về chặng đường Gaming on Linux đầy gian nan.

 

NGƯỜI KHAI PHÁ

Theo điều tra (thật ra là lượm lặt từ internet), game đầu tiên đặt nền móng cho “Gaming on Linux” lại là một game khá quen thuộc với các anh em 8x trên nền DOS, đó là game “Bắn Ma” - Doom được Dave Taylor - nhà sáng lập Crack dot Com - port lên Linux vào năm 1994.

Doom

Sau giai đoạn khởi sinh ấy, một loạt những game được port lên nền Linux ra đời như SimCity vào năm 1995, rồi Quake vào năm 1996. Và ngay sau những game đầu tiên được port lên Linux là những game được phát triển hẳn hòi một bản trên Linux như Inner World (1997) vàHopkins FBI (1998).

Simcity

Vào tháng 11 năm 1998, một công ty phần mềm tên Loki Software được thành lập với một thiện chí đối với những game được port cho nền Linux. Mặc dù tình hình duy trì của Loki không được khá khẩm mấy, nhưng đây có thể xem là bước đệm lớn cho nền công nghiệp Game trên Linux. Trong các game được port đó có thể không kể đến Civilization: Call to Power - một game chiến thuật đến mãi sau này vẫn còn tồn tại và phát triển.

Và kể từ đó thời đại mới về Gaming on Linux bắt đầu.

À mà! Chúng ta đâu phải đang học môn lịch sử đâu nhỉ? Có lẽ nên lược qua những điểm sáng nhất trong hành trình.

Một trong những nỗ lực hiệu quả nhất là vào 2009, một công ty làm game độc lập (indie) đã phát triển một trò chơi tên là Voltley - được phát hành chính thức trên nền Linux; cùng năm đó thì LGP (Linux Game Publishing) đã phát hành một game tên là Shadowgrounds trên Linux có sử dụng Nvidia PhysX.

Tiếp theo đó có lẽ là một tin mừng lớn cho cộng đồng game trên Linux. Vào tháng 7 năm 2012, một nhà phát triển từ Valve công bố rằng sẽ port Source Engine lên nền Linux; đồng thời cho ra đời Steam client đầu tiên trên Linux.

Thời điểm này mọi nguồn lực dường như đang đổ dồn về Linux, ngay cả Unity Technologies cũng đã port luôn engine độc đáo của họ lên nền Linux vào tháng 11 cùng năm.

Và cuối cùng, như lời hứa của họ, Valve đã phát triển SteamOS vào năm 2013, hệ điều hành nhân Linux đầu tiên hỗ trợ Gaming.

Thành công nối tiếp thành công khi GOG.com - mạng phân phối trò chơi kỹ thuật số - tiến hành hỗ trợ những tựa game trên Linux vào tháng 3/2014. Trong vòng 4 tháng sau đó có đến 50 tựa game hỗ trợ nền Linux được phát hành thông qua GOG.com.

Cùng năm đó 2 engine nổi tiếng là Unreal và CryEngine cũng được thông báo rằng sẽ hỗ trợ Linux.

 

BƯỚC CHÂN GIAN NAN

Có thể thấy, đối với thời điểm hiện tại thì Gaming on Linux đã dễ thở hơn và phổ biến hơn bao giờ hết. Có thể dễ dàng tìm và xem các channel Youtube của các youtuber là Game thủ trên Linux như Egee, Xpander69, Osirez, Ghostsquad59, Penguin Recordings, HexDSL, Samsai, Jakejw93, Cambck2,...

Nhưng để đạt được những bước tiến đó, cộng đồng phát triển và những game thủ “có tâm” nhất trên Linux đã tìm mọi cách để cái tiến về nền tảng lẫn sự hỗ trợ từ phần mềm.

Đúc kết từ những kinh nghiệm cá nhân, bản thân tôi đã rút ra được vài bài học về Gaming on Linux.

Điều đầu tiên đó chính là nền tảng (platform):

Môi trường Linux dường như đang trở thành mảnh đầu màu mỡ khi các nhà phát triển đang khai phá được những nổi trội từ vùng băng tuyết này. Khi những engine nổi tiếng đã và đang hỗ trợ môi trường Linux như Source, Unity, Unreal, CryEngine, C4, ShiVa3D, Blender và sắp tới đây là Leadwerks.

Các framework phát triển game đa nền như Cocos2D-x ,Allegro, libGDX cũng đã hỗ trợ Linux.

Điều này chứng tỏ, miền đất băng tuyết của Linux đang dần màu mỡ hơn và các nhà phát triển game không còn ngần ngại trước những định kiến về sự “cổ lỗ” mà trước nay Linux bị gán cho.

Tôi đã chơi thử một vài game được viết bằng Unity được phát hành trên cổng itch.io và kết quả nhận được khá mỹ mãn.

Nói về Source Engine thì chúng ta đã có một trò chơi bắn súng dạng TeamMatch khá nổi tiếng đó là Team Fortress, Half-Life2, Portal, những bản mod như Garry’s Mod ...

Riêng về engine Unreal thì đã có hẳn 1 trò chơi không ai không biết đó là Unreal Tournament, tiếp đến là Rune được phát triển bởi UnrealEngine 1.

Thế hệ thứ 2 của Unreal trên Linux có thể kể đến là Alien Swarm , 3 game hành động góc nhìn người thứ nhất khá nổi đó là Deus Ex: Invisible War, Killing Floor và loạt game Postal 2.

Thật tiếc khi Unreal Engine thế hệ 2 còn ra đời nhiều tựa game đình đám Tom Clancy’s từ Ubisoft. Chúng ta sẽ nói đến những tựa game này trong bài viết sau.

Unreal Engine thế hệ 3 có vẻ đã thêm vào list một vài game đình đám cho Linux, chúng ta có thể biết đến vài game như Borderland, game kinh dị Outlast, game hành động Spec Ops, game hành động chiến thuật XCOM và game platformer indie Mighty.09.

Unreal Engine 4 trở lại với những thành công vang dội, một loạt những tựa game đồng thời được phát hành trên Linux thông qua cổng Steam như Ark: Survival Evolved, Heavy Gear Assault, Postal Redux, Iron Fish, Squad, Warhammer 40000: Eternal Crusade... không nhiều nhưng cũng là những nỗ lực đánh khâm phục.

Nói về CryEgine của Crytek thì ngoại từ tựa game Homefront: The Revolution phát hành năm ngoái thì chẳng còn tựa game nào nổi trội cả.

 

NHỮNG CON ĐƯỜNG...

Gaming on Linux chưa bao giờ là 1 con đường độc đạo. Người dùng Linux hoàn toàn có thể linh hoạt trong việc tìm 1 phương pháp giải trí phù hợp với mình.

Trong khuông khổ bài viết này, tôi xin giới thiệu về 4 phương pháp chơi game thông dụng trên nền Linux.

1. Linux Native: Là những bản game được phân phối trực tiếp hoặc port lên nền Linux, hỗ trợ các cấu trúc về phần mềm và phần cứng trên Linux. Các cổng game cung cấp game Linux Native phổ biến như GOG.com, Steam. Ngoài ra có thể tham khảo các cổng game độc lập như Indiedb, itch.io; Và dĩ nhiên là sẽ có game free và thu phí. Các bạn có thể tìm các game đã pack trên rutracker.org.

2. Emulator (giả lập): Phương pháp chơi game được những game thủ trên thế giới thực hiện từ rất lâu, ngay cả trên môi trường Windows, MacOS hoặc Android cũng thế.

Về game giả lập thì hiện Linux đã có các phần mềm giả lập hỗ trợ game cho hệ máy cổ Atari, Sega; các hệ máy đời 2 NES, SNES, GBA, N64, Neo-Geo. Các hệ máy đời 3 như PS1, PS2, PSP, Wii. Đối với PS2 ,PSP và Wii thì phần hiệu chỉnh để có được trải nghiệm game đạt yêu cầu còn phù thuộc vào cấu hình máy. Các trang chia sẻ rom game như Romparadise, Romulation, Freeroms.com,...

3. Web-based Gaming: Trước đây môi trường Web được hậu thuẫn bởi Flash và Unity3D khá ngọt. Tuy nhiên, với những thay đổi về xu hướng thời gian gần đây thì HTML5 và WebGL lại được ưu ái hơn cả. Chơi game trên nền Web cũng là 1 cách để xóa đi ranh giới của Gaming on Windows và Gaming on Linux.

Hiện có nhiều cổng web game miễn phí như Y8, WebGLgame, Kongrates,... các bạn có thể truy cập là trải nghiệm thử những trò chơi trên nền tảng này.

4. WINE - Wine is not Emulator: Có lẽ đây sẽ là 1 đề tài còn được bàn luận dài dài về sau này. Những dự án để phát triển một nền tảng chạy ứng dụng Windows lên Linux đã bắt đầu từ 1993 và mãi đến 2005 với sự ra đời của Wine, ước mơ chạy ứng dụng Windows trên Linux mới trở thành sự thật.

Chia sẻ chi tiết về NHỮNG CON ĐƯỜNG trong loạt bài Gaming On Linux sẽ tiếp tục trong phần sau, các bạn đón xem.

Thanks.

P/s: Bài viết phản ánh kinh nghiệm cá nhân của người viết.

bottom of page